MỘT ĐỜI SAY MÊ VỚI NÔNG NGHIỆP VÀ NHỮNG DI SẢN VÔ GIÁ CHO NỀN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Công Tạn là một trong những người có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Với niềm đam mê, tâm huyết và tinh thần sáng tạo, ông đã đóng góp to lớn vào việc đưa nhiều giống cây trồng và vật nuôi mới vào sản xuất, góp phần cải thiện đời sống của người nông dân. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo mà còn là một nhà nông học nhiệt huyết, luôn tìm tòi cái mới và quyết tâm thực hiện bằng được, một quyết tâm kéo dài đến tận cuối đời.
Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (Nguồn: sưu tầm)
1. Đam mê và tâm huyết với nông nghiệp
Nguyễn Công Tạn, với cương vị là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đã để lại dấu ấn đậm nét trong ngành nông nghiệp bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Ông luôn tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm những giống cây trồng, vật nuôi mới có thể mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người nông dân cải thiện cuộc sống. Những giống cây trồng như lúa, mía đường, khoai lang, cỏ VA06, mắc ca, cam, quýt, chè, và các giống vật nuôi như đà điểu, ngan Pháp, bồ câu Pháp, gà Tam Hoàng, Lương Phượng, gà Ai Cập... đều mang dấu ấn của ông.
Người ta thường nói vui rằng: Nguyễn Công Tạn là người hay xin nhưng không bao giờ lấy gì cho riêng mình. Ông luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu, mỗi khi xin được giống mới, công nghệ mới, ông đều mang về cho nông dân. Câu nói "Tôi xin cho nông dân, lấy mang về cho nông dân" đã trở thành biểu tượng cho tấm lòng của ông. Sự tận tụy và tấm lòng vì người nông dân đã tạo nên một Bác Tạn được yêu mến và kính trọng.
Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (người thứ 2 bên phải) thăm cánh đồng lúa (Nguồn: sưu tầm)
2. Người đưa đà điểu về Việt Nam
Một trong những dấu ấn đáng nhớ nhất của ông Nguyễn Công Tạn với ngành nông nghiệp Việt Nam chính là việc du nhập và phát triển thành công đà điểu và mắc ca – hai lĩnh vực hoàn toàn mới trong nông nghiệp nước nhà. Năm 1995, trong một chuyến công tác tại Australia, Nguyễn Công Tạn đã nhờ xin hộ hai quả trứng đà điểu và giao cho Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương thuộc Viện Chăn nuôi để ấp nở. Hai quả trứng này nở thành công và phát triển bình thường. Nhận thấy tiềm năng của việc nuôi đà điểu, ông đã tiếp tục xin Công ty mía đường Nghệ An Tate & Lyle 100 quả trứng đà điểu nhập từ Zimbabwe, với giá trị tương đương 35.000 USD thời điểm đó.
Viện chăn nuôi đã ấp nở thành công 41 con đà điểu từ số trứng này, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho ngành chăn nuôi đà điểu tại Việt Nam. Đà điểu sau đó không chỉ trở thành một ngành sản xuất hàng hóa mới của Việt Nam mà còn được xuất khẩu ngược lại sang các nước Nam Phi và Trung Quốc. Những nỗ lực không ngừng nghỉ và tầm nhìn chiến lược của ông đã mở ra một hướng đi mới, đầy tiềm năng cho nông dân Việt Nam. Từ những khảo nghiệm thành công trên, năm 1998, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu, phát triển chăn nuôi đà điểu tại Ba Vì, và cho nhập từ Úc về 150 con đà điểu giống gốc để làm cơ sở nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam.
Tính đến năm 2010, Trại đà điểu Ba Vì đã có hơn 4000 con. Từ đây, nguồn giống đà điểu đã được xuất đi hơn 40 tỉnh thành trong cả nước, phục vụ cho việc chăn nuôi của gần 100 trang trại lớn nhỏ với số lượng lên tới gần 300 nghìn con. Đây quả là một thành công ngoài mong đợi.Bên cạnh đó, năm 2002, sau khi nghiên cứu các tài liệu, ông cũng nhờ một người bạn ở Australia nhập về khoảng 10.000 cây mắc ca trồng thử. Sau hơn 10 năm trồng thử nghiệm, đến nay loài cây này đang được trồng với diện tích khá lớn ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc.
3. Tầm nhìn chiến lược và tinh thần tiên phong
Không chỉ có kiến thức sâu rộng về nông nghiệp mà Bác Nguyễn Công Tạn còn có tầm nhìn chiến lược về phát triển nông nghiệp bền vững. Ông hiểu rõ đặc điểm khí hậu, đất đai và thổ nhưỡng của từng vùng miền, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để phát triển nông nghiệp. Ông luôn kiên định với mục tiêu cải thiện đời sống của người nông dân, tạo ra những giá trị kinh tế bền vững cho đất nước. Di sản của Bác Nguyễn Công Tạn không chỉ nằm ở những thành tựu nông nghiệp như đà điểu hay cây mắc ca,.. mà còn ở tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp nông nghiệp nước nhà.
Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn tại trang trại vịt trời( Nguồn: sưu tầm)
Những giống cây trồng, vật nuôi mang dấu ấn của ông đã và đang tiếp tục phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dânn. Tinh thần tiên phong, lòng nhiệt huyết và sự tận tâm của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ làm nông nghiệp. Bác Tạn đã trở thành biểu tượng cho sự đổi mới và phát triển bền vững trong nông nghiệp Việt Nam. Những đóng góp của ông không chỉ giúp cải thiện đời sống của người nông dân mà còn góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới.
Ông thực sự là một người tiên phong, một người hùng thầm lặng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Còn rất nhiều câu chuyện về người lãnh đạo chưa ngừng nghỉ một phút giây nào trên con đường cách mạng nông nghiệp ông đã chọn. Ông ra đi nhưng biết bao bài học quý giá của ông vẫn còn đọng lại. Những chính sách do nông dân, vì nông dân của ông vẫn là chặng đường dài mà lớp lớp người làm nông nghiệp sẽ còn bước tiếp.
Xem thêm tại:
CÔNG TY CỔ PHẦN HÀ TÂN KỲ
Hotline: 036.333.6669
CSKH: 0272.3829971 - 035.650.7279
Sale: 033.350.7279
TVKT: 096.177.6664
Website: http://www.traigiongdadieu.com.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/dadieuhatanky/